Posts Tagged ‘Fama’

Tìm hiểu về lý thuyết thị trường hiệu quả

17/08/2010

Eungene Fama
Eugene Fama (sinh ngày 14/2/1939)

Lý thuyết thị trường hiệu quả là một trong những lý thuyết chính thống, nền tảng của ngành tài chính. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, lý thuyết này lại càng tỏ ra mạnh hơn bất kỳ lý thuyết nào, nó là kim chỉ nam cho nhiều học giả phân tích chứng khoán. Bài viết giới thiệu về lý thuyết này và ứng dụng của nó, đặc biệt trong thị trường chứng khoán.

Lý thuyết thị trường hiệu quả

Lý thuyết thị trường hiệu quả có một ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn cũng như trong lý thuyết của ngành tài chính. Nhà kinh tế học Samuelson đã từng nhận xét: “Kinh tế học tài chính được coi là các món phục sức của nhà vua trong các dịp lễ tộc thì Lý thuyết thị trường hiệu quả sẽ chiếm một nửa các đồ trang sức đó!”.

Việc tiếp cận Lý thuyết thị trường hiệu quả trong phân tích tài chính phải xuất phát từ khái niệm thị trường hoàn hảo trong kinh tế học. Một thị trường được coi là hoàn hảo khi nó đảm nhiệm được chức năng của nền kinh tế cạnh tranh hoàn hảo, tức là nó sử dụng các đầu vào khan hiếm một cách hiệu quả. Trong nghiên cứu kinh tế nói chung và trong phân tích tài chính nói riêng, một thị trường được coi là hoàn hảo (hiệu quả) khi nó hiệu quả về các mặt: Phân phối, tổ chức hoạt động, thông tin…

Hiệu quả về mặt phân phối

Một thị trường được coi là hiệu quả về mặt phân phối khi thị trường đó có khả năng đưa được các nguồn lực khan hiếm đến người sử dụng, sao cho trên cơ sở nguồn lực có được, người ta sẽ tạo ra kết quả đầu ra lớn nhất, tức là họ sử dụng được một cách tối ưu. Người sử dụng tốt nhất cho nguồn lực huy động được là người có khả năng trả giá cao nhất cho quyền được sử dụng nguồn lực đó.

Hiệu quả về tổ chức hoạt động của thị trường

Đối với thị trường chứng khoán, tính hiệu quả trên phương diện tổ chức hoạt động thể hiện rõ bởi khả năng làm cực đại hóa quy mô giao dịch trên một thị trường chứng khoán cụ thể.

Việc tổ chức hoạt động của thị trường chứng khoán với mục tiêu cực đại hóa quy mô giao dịch phải dựa trên các nguyên tắc căn bản như ở các thị trường khác là: Mở rộng khả năng lựa chọn “hàng hóa – các loại chứng khoán” và lựa chọn “dịch vụ – các tổ chức trung gian” cho khách hàng; tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tham gia vào thị trường với chi phí thấp, từ đó thị trường đạt đến độ thanh khoản cao; có các biện pháp hữu hiệu chống lại các hoạt động đầu cơ gây phương hại đến đa số khách hàng…

Hiệu quả về mặt thông tin

Một thị trường được coi là hiệu quả về mặt thông tin khi giá cả của loại hàng hóa giao dịch trên thị trường được phản ánh đầy đủ và tức thời bởi các thông tin có liên quan. Những thông tin đó bao gồm nhiều loại khác nhau, như thông tin về môi trường kinh tế vĩ mô, thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh, thông tin về thị trường…

Các nghiên cứu thường xem xét lý thuyết thị trường hiệu quả về mặt thông tin, đánh giá mức độ hiệu quả của thị trường mà ít đi sâu vào góc độ tìm hiểu về thị trường hiệu quả trên phương diện phân phối hay tổ chức của thị trường, bởi vì trong thị trường chứng khoán, tính hiệu quả về mặt thông tin có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của toàn thị trường.

Cụ thể hơn, lý thuyết thị trường hiệu quả (trên phương diện thông tin) luôn cho rằng khi tham gia vào một thị trường hiệu quả, nhà đầu tư sẽ ít có cơ hội vượt trội hơn so với những người khác vì hiệu quả của thị trường chứng khoán sẽ khiến cho giá của các cổ phiếu hiện có trên thị trường luôn gắn kết và cung cấp các thông tin tương thích, tức là mọi người đều có khả năng tiếp cận thông tin như nhau. Theo thuyết này thì các chứng khoán sẽ được mua/bán, trao đổi ngang giá trên các sàn giao dịch chứng khoán, do đó sẽ không có cơ hội một cách hệ thống để một số “đại gia” mua ép giá cổ phiếu hoặc thổi phồng mức giá khi bán (hiện tượng làm giá). Người chơi luôn được tin tưởng rằng thị trường đối xử công bằng với tất cả mọi người.

Các dạng lý thuyết hiệu quả của thị trường chứng khoán

Việc phân chia thành các dạng thức hiệu quả của thị trường chứng khoán cho đến nay chúng ta được thấy thực sự hữu ích. Trong lịch sử, Euge Fama (1970) là người đầu tiên phân chia ra các dạng hiệu quả của thị trường thành ba giả thuyết thành phần tương ứng với ba tập thông tin được xem xét:

– Tập thông tin dạng yếu: Tập thông tin chỉ bao hàm các dữ liệu lịch sử về loại chứng khoán đang phân tích.

– Tập thông tin dạng trung bình: Tập thông tin bao gồm tất cả các dữ liệu phù hợp đã được công bố ra công chúng trong quá khứ và hiện tại.

– Tập thông tin dạng mạnh: Tập thông tin bao gồm tất cả các dữ liệu được biết, không kể các dữ liệu đó có được công bố hay không.

Tương ứng ba tập thông tin trên, thị trường hiệu quả được phân chia ra thành ba cấp độ hiệu quả (hay ba dạng hiệu quả), đó là thị trường hiệu quả dạng yếu, thị trường hiệu quả dạng trung bình và thị trường hiệu quả dạng mạnh.

Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng yếu

Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng này cho rằng, giá chứng khoán hiện tại là sự phản ánh đầy đủ mọi thông tin của thị trường chứng khoán, bao gồm các chuyển dịch liên tục của giá, tỷ suất thu nhập, khối lượng giao dịch và các thông tin chung khác như: Mua bán lô lẻ, giao dịch lô lớn và các thương vụ của các chuyên gia ngoại hối hay của các nhóm độc quyền khác. Vì nó giả định rằng, mức giá thị trường hiện tại này đã phản ánh tất cả các thu nhập trong quá khứ và mọi thông tin trên thị trường nên giả thuyết này có nghĩa là lợi suất – suất sinh lời của chứng khoán trong quá khứ cũng như các thông tin khác không có mối liên hệ với tương lai (các lợi suất độc lập với nhau). Nói cách khác, không thể dự báo được giá chứng khoán trong tương lai hay là có thể kiếm được lợi nhuận vượt trội bằng những căn cứ từ thông tin về giá của chúng trong quá khứ.

Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng trung bình

Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng trung bình cho rằng, giá chứng khoán sẽ điều chỉnh nhanh chóng trước bất kỳ thông tin công khai nào, tức là mức giá hiện tại phản ánh đầy đủ mọi thông tin công khai trong hiện tại cũng như trong quá khứ, chính vì vậy mà giả thuyết này bao trùm lên giả thuyết hiệu quả dạng yếu. Thông tin công khai cũng bao gồm: Các báo cáo tài chính công khai của doanh nghiệp, các thông báo về thu nhập và cổ tức, chia cổ phần, chia tách cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, và các thông tin về kinh tế cũng như chính trị. Đối với người tham gia thị trường chứng khoán, Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng này có ý nghĩa rằng, các nhà đầu tư khi ra quyết định dựa trên các thông tin sau khi nó được công bố sẽ không thu được lợi nhuận cao hơn mức trung bình bởi mức giá chứng khoán này đã phản ánh mọi thông tin công khai đó.

Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng mạnh

Lý thuyết thị trường hiệu quả dạng mạnh cho rằng, giá chứng khoán  phản ánh tất cả các thông tin từ công khai đến nội bộ. Như vậy, trong một thị trường hiệu quả dạng mạnh, người sử dụng tất cả những thông tin có thể có, dù rằng các thông tin đó có được phổ biến ra công chúng hay không, sẽ không thể thu được lợi nhuận vượt trội so với người khác.

Tuy nhiên, chúng ta không chờ đợi rằng thị trường hiệu quả dạng mạnh lại thể hiện đúng theo định nghĩa, bởi vì đây là một giả thuyết về một hình ảnh gần như phi thực tế. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra không thể có thị trường nào mà khi có những thông tin nội gián, người sử dụng chúng lại không thu được lợi ích bất thường (thị trường bất động sản là minh chứng rõ nhất: Khi có thông tin nội bộ về những vùng đất đai quy hoạch thì những người có được thông tin này thực sự có được những đặc lợi khó sánh).

Có thể khái quát những đặc điểm chính của cả ba dạng lý thuyết thị trường hiệu quả theo sơ đồ dưới đây:

Việc nhận dạng được thị trường hiệu quả ở cấp độ nào có ý nghĩa lớn trong thực tiễn. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, việc kiểm định tính hiệu quả của thị trường, đánh giá mức độ hiệu quả (trên phương diện thông tin) bằng các nghiên cứu định lượng hầu như chưa có. Hy vọng trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu sẽ xây dựng được các mô hình đánh giá nhằm đưa ra được dạng thức hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó các nhà quản lý sẽ có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao tính hiệu quả của thị trường.


Tài liệu tham khảo

1. Học viện Tài chính (2006), Giáo trình phân tích và đầu tư chứng khoán, NXB Tài chính.

2. Hoàng Văn Hoan, Hoàng Hải, Vũ Việt Hùng, Vũ Thị Minh Luận, Giáo trình thị trường chứng khoán, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

3. Nguyễn Ngọc Bích (2000), Toàn cảnh thị trường chứng khoán, NXB Thống kê.

4. Vũ Việt Hùng (2003), Đầu tư tài chính, NXB Thống kê.

5. Fama, Eugene. F. (1970), Efficient capital markets: A review of theory and empirical work. Journal of Finance, 25, pp. 383-417 (along with Sharpe and Schwartz comments)/

http://www.dautuchungkhoan.com; http://www.vse.org.vn